Nội dung chính
Một cuộc điều tra gần đây của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Choice (Úc) đã phát hiện ra kết quả đáng lo ngại: 16 trên tổng số 20 loại kem chống nắng gắn mác SPF50 hoặc 50+ tại thị trường Úc không đạt đúng mức ghi trên bao bì.

Nhiều sản phẩm kem chống nắng phổ biến bị phát hiện không đạt SPF như công bố
Chỉ số SPF: Con số trên bao bì có đáng tin?
Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ da khỏi tia UVB. Theo đó, SPF30 có thể lọc khoảng 96.7% tia UVB, trong khi SPF50 lọc khoảng 98%. Tuy chênh lệch chỉ 1.3%, nhưng trong điều kiện tia cực tím mạnh như ở Úc, mỗi phần trăm bảo vệ đều cực kỳ quan trọng.
Theo báo cáo từ Choice, chỉ có 4 sản phẩm thực sự đạt mức SPF như công bố. 16 sản phẩm còn lại đều không đáp ứng được mức độ bảo vệ ghi trên nhãn, thậm chí có sản phẩm chỉ đạt SPF4.
Một trong những trường hợp đáng thất vọng nhất là kem chống nắng Ultra Violette Lean Screen SPF50+, chỉ đạt SPF4, thấp hơn đến 12 lần so với cam kết trên bao bì. Sản phẩm này cũng được bán tại Việt Nam qua đường hàng xách tay.

Kem chống nắng Ultra Violette bị phát hiện không đạt SPF như công bố
Loạt sản phẩm tên tuổi bị vạch trần
Ngoài Ultra Violette, danh sách sản phẩm không đạt chuẩn SPF50+ còn gọi tên nhiều thương hiệu đình đám bao gồm: Coles Sunscreen Ultra Tube (chỉ đạt 43), Nivea’s Sun Kids Ultra Protect and Play (đạt 41), Sun Bum Premium Moisturising Sunscreen Lotion (đạt 40), Banana Boat SPF50+ Sunscreen Lotion (đạt 35), Bondi Sands Fragrance Free (đạt 32), Cancer Council Kids Clear Zinc50+ (đạt 33).

Một số sản phẩm kem chống nắng không đạt chuẩn SPF
Chỉ có 4 sản phẩm đạt chuẩn
Trái với loạt sản phẩm gây thất vọng, 4 loại kem chống nắng được Choice xác nhận là đáp ứng đúng (hoặc thậm chí là vượt) chỉ số SPF cam kết bao gồm: La Roche-Posay Anthelios Wet Skin SPF50+ (đạt SPF72), Neutrogena Ultra Sheer Body Lotion SPF50 (đạt SPF56), Cancer Council Kid Sunscreen SPF50+ (đạt SPF52), Mecca Cosmetica To Save Body SPF50+ Hydrating (đạt SPF51).
Cơ quan chức năng vào cuộc
Sau khi công bố kết quả kiểm nghiệm, Choice đã chia sẻ thông tin với các thương hiệu có liên quan. TGA – cơ quan quản lý thuốc và thiết bị y tế của Chính phủ Úc và ACCC – Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc đã vào cuộc để điều tra và xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Các thương hiệu liên quan đã lên tiếng phản hồi, với một số bác bỏ kết quả kiểm tra và cho rằng sản phẩm của họ vẫn đảm bảo đúng chỉ số SPF khi được sử dụng theo hướng dẫn.