Lựa chọn lúa mì và gạo làm lương thực chính là một quyết định quan trọng của loài người trong lịch sử. Điều này không chỉ dựa trên sản lượng hay kích thước hạt mà còn liên quan đến nhiều yếu tố sinh học, nông học và quá trình chọn giống kéo dài hàng nghìn năm.
Lý do ẩn sau sự lựa chọn lúa mì và gạo
Các cây lương thực như lúa mì và lúa gạo thuộc họ Hòa thảo, bản chất là những loài cỏ có khả năng sinh trưởng nhanh, sinh sản sớm và dễ nhân giống. Mặc dù hạt của chúng nhỏ hơn so với các loại hạt cây thân gỗ, nhưng tổng sản lượng và tốc độ sinh trưởng lại vượt trội.

Lúa gạo là một trong những cây lương thực quan trọng
Ví dụ, lúa mì có thể gieo và thu hoạch chỉ trong vòng vài tháng, cho phép trồng 1-2 vụ mỗi năm, thậm chí 3 vụ ở vùng khí hậu nhiệt đới. Điều này khác hẳn với các cây lấy hạt như hạt dẻ, óc chó hay hạt điều, vốn phải mất từ 5 đến 10 năm mới ra quả và cần thêm vài năm nữa mới đạt sản lượng ổn định.

Lúa mì được trồng rộng rãi trên toàn thế giới
Một ví dụ cụ thể là cây hạt dẻ cười. Một cây trưởng thành có thể cho 20-30kg hạt mỗi năm, và mỗi hecta có thể trồng đến 800 cây, tạo ra sản lượng đáng kể. Tuy nhiên, cây hạt dẻ cười cần ít nhất 5-8 năm mới bắt đầu ra trái và từ 10-15 năm mới cho sản lượng ổn định. Trong khi đó, trồng lúa mì trên cùng diện tích đất có thể thu hoạch từ 20-30 vụ trong cùng khoảng thời gian.

Sản lượng lúa mì cao hơn nhiều so với các cây lấy hạt khác
Ngoài thời gian sinh trưởng dài, các loại cây lấy hạt còn dễ bị tổn thương trước sâu bệnh và biến động môi trường. Ví dụ, nạn bệnh héo tại Bắc Mỹ đã quét sạch rừng dẻ hoang dã, vốn cung cấp hàng triệu kg hạt dẻ mỗi năm cho cư dân địa phương.
Ngược lại, các loài cỏ như lúa, ngô, lúa mì có khả năng sinh tồn linh hoạt hơn, vòng đời ngắn, dễ tái sinh và ít bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Khi có sâu bệnh, người nông dân chỉ cần gieo lứa mới thay vì chờ cả thập kỷ để cây trưởng thành trở lại.

Lúa mì và gạo là những thực phẩm an toàn và phổ biến
Một yếu tố quan trọng khác là phần lớn các loại hạt tự nhiên đều có độc hoặc chứa các chất chống dinh dưỡng. Chỉ sau hàng nghìn năm thuần hóa, con người mới loại bỏ bớt độc tính trong hạt điều, hồ trăn, hạnh nhân,… để có thể ăn an toàn.
Trong khi đó, hạt lúa, lúa mì, kê hay ngô về cơ bản không có độc hoặc chứa rất ít chất có hại, nên dễ dàng trở thành nguồn lương thực ổn định từ rất sớm trong lịch sử.
Lúa mì và gạo còn có ưu điểm nổi bật về mật độ gieo trồng và cơ giới hóa nông nghiệp. Một hecta lúa có thể gieo hàng trăm ngàn cây, sản xuất hàng tấn thóc trong vài tháng. Việc thu hoạch dễ dàng, không cần leo trèo hay chờ nhiều năm, giúp đảm bảo an ninh lương thực tốt hơn.
Về mặt dinh dưỡng, các loại hạt cỏ chứa nhiều tinh bột, nguồn năng lượng chính cho con người. Trong khi đó, hạt cứng lại giàu chất béo và đạm, tuy có dinh dưỡng cao nhưng ít phù hợp làm lương thực chính cho số đông.