Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một bệnh lý huyết học nghiêm trọng, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bất ngờ tấn công chính các tế bào tiểu cầu của mình. Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp máu đông lại và ngăn chặn chảy máu. Tuy nhiên, khi bị tấn công, số lượng tiểu cầu giảm đi, khiến cơ thể dễ bị chảy máu và khó cầm máu, gây ra các biểu hiện như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc nhiều nơi.
Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Theo thống kê, mỗi năm cứ khoảng 100.000 trẻ em thì có từ 2,2 đến 5,3 em mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch, và ở người lớn là khoảng 3,3 người trên 100.000 dân.

Biểu hiện xuất huyết dưới da
Biểu hiện của xuất huyết giảm tiểu cầu có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ giảm tiểu cầu, nhưng nhìn chung đều liên quan đến các dấu hiệu chảy máu. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm:
- Chấm xuất huyết: Đây là những đốm nhỏ màu đỏ hoặc tím, kích thước khoảng 1-2 mm, không biến mất khi ấn vào. Chúng thường xuất hiện ở chân, cánh tay, hoặc các vùng da chịu áp lực.
- Mảng bầm: Lớn hơn chấm xuất huyết, có thể có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau (thường từ vài mm đến vài cm), màu tím xanh hoặc nâu đỏ, cũng không biến mất khi ấn vào. Những mảng bầm này là do chảy máu dưới da rộng hơn, thường xuất hiện sau va chạm nhẹ hoặc không rõ nguyên nhân. Thường tồn tại ở da từ 7 đến 10 ngày.
- Chảy máu niêm mạc: chảy máu chân răng khi đánh răng hoặc tự nhiên, chảy máu cam thường xuyên hoặc kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài ở phụ nữ.
Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể phức tạp và phụ thuộc vào mức độ giảm tiểu cầu, mức độ chảy máu, bệnh nền, các loại thuốc sử dụng, tuổi tác và mong muốn của bệnh nhân.

Thuốc corticoid là thuốc đầu tay trong điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu
Bệnh chủ yếu điều trị nội khoa với các phương pháp cơ bản gồm: sử dụng thuốc corticoid, các thuốc như gamma globulin đối với trẻ em. Nếu người bệnh kháng thuốc corticoid hoặc có quá nhiều biến chứng, các phương án điều trị tiếp theo sẽ được bác sĩ chỉ định như: sử dụng thuốc tăng cường quá trình sản xuất tiểu cầu ở tủy xương (thuốc đồng vận thụ thể Thrombopoietin) hoặc phẫu thuật cắt lách (nơi phá hủy tiểu cầu).
Một số lưu ý cho người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu:
- Hạn chế vận động mạnh và các môn thể thao đối kháng để tránh chấn thương.
- Cần thông báo tiền sử bệnh cho bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng đông (ví dụ cho bệnh tim mạch, tai biến) hoặc khi cần nhổ răng, làm thủ thuật, phẫu thuật.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên cân nhắc kỹ việc mang thai nếu bệnh chưa ổn định. Trẻ em gái ở tuổi dậy thì cần theo dõi lượng kinh nguyệt; nếu ra nhiều bất thường, hãy báo bác sĩ.
- Cuối cùng, hãy tuân thủ tái khám và phác đồ điều trị của bác sĩ. Đây là chìa khóa để kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.