Trí tuệ cảm xúc EQ là khả năng nhận diện, thấu hiểu và điều tiết cảm xúc của bản thân và người khác. Một đứa trẻ có chỉ số EQ cao thường thể hiện qua những câu nói và hành vi giản dị trong cuộc sống hàng ngày.
Một buổi chiều như mọi ngày, một người mẹ đang lúi húi nấu cơm dưới bếp thì bất chợt nghe tiếng con thủ thỉ với em trai:
“Không sao đâu, em làm đổ nước cũng không phải lỗi lớn. Mẹ sẽ không giận nếu em biết nhận lỗi mà”.
Nghe xong, người mẹ bỗng lặng người vài giây. Không phải vì câu nói quá đặc biệt, mà vì trong đó chứa đựng một điều quý giá: sự thấu cảm. Nếu bạn cũng từng vô tình nghe con mình nói những câu như vậy, thì đó là dấu hiệu cho thấy con bạn đang phát triển rất tốt về mặt trí tuệ cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc quan trọng như thế nào?
Trí tuệ cảm xúc giúp một đứa trẻ vượt qua rất nhiều tình huống khó khăn mà không cần phải là “học sinh giỏi toàn diện”. Một đứa trẻ EQ cao sẽ biết tự trấn an bản thân sau một bài kiểm tra điểm kém, biết chủ động xin lỗi khi làm sai, hoặc biết cách hòa giải khi xảy ra mâu thuẫn với bạn bè.

Dấu hiệu nhận biết trẻ có EQ cao
Những câu nói như “Con nghĩ bạn ấy cáu vì bị điểm kém, chứ không phải vì ghét con đâu”, hay “Chắc hôm nay bố đi làm mệt lắm nên mới cáu, không sao đâu mẹ” nghe qua tưởng nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa là sự thấu hiểu, lòng bao dung và năng lực đọc vị cảm xúc người khác.
Làm thế nào để nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc ở trẻ?
EQ cao không phải là thứ trẻ tự dưng có, mà là kết quả của quá trình quan sát, học hỏi và được nuôi dưỡng trong một môi trường mà cảm xúc được tôn trọng. Nếu cha mẹ biết lắng nghe khi con buồn, không quát mắng khi con khóc, và sẵn sàng xin lỗi khi mình sai, thì chính những điều tưởng nhỏ ấy lại giúp con học được cách kết nối với cảm xúc không chỉ của mình mà còn của người khác.

Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc ở trẻ
Và nếu hôm nào đó bạn nghe con lẩm bẩm “Chắc hôm nay mẹ buồn vì có gì đó ở công ty”, hãy mỉm cười và cảm ơn, vì có lẽ bạn đã dạy con điều quan trọng nhất mà trường lớp không thể dạy biết thương người.