Việc kê đơn thuốc điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế sẽ trở nên minh bạch và khoa học hơn nhờ Thông tư 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành. Những thay đổi kỹ thuật tưởng như nhỏ, như ghi rõ liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, thời gian sử dụng, được đánh giá là bước tiến quan trọng giúp người bệnh dùng thuốc đúng cách, an toàn và hiệu quả.
Một điểm mới đáng chú ý là đơn thuốc sẽ bắt buộc có thêm các thông tin định danh như số căn cước công dân, số hộ chiếu, đặc biệt là số định danh cá nhân. Với việc đồng bộ dữ liệu y tế và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân sẽ không còn phải khai báo lại các thông tin như giới tính, ngày sinh, địa chỉ… Việc này vừa giảm thủ tục hành chính, vừa hạn chế sai sót.
Dùng thuốc đúng cách, hiệu quả hơn
Theo ông Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), quy định yêu cầu kê rõ “mỗi lần dùng bao nhiêu viên, dùng mấy lần trong ngày, trong bao lâu” có ý nghĩa đặc biệt. Trước đây, nhiều đơn thuốc ghi chung chung như “uống 4 viên/ngày chia 2 lần” khiến người bệnh có thể hiểu nhầm, dùng thuốc sai cách. Nay, việc ghi rõ “mỗi lần uống 2 viên, ngày 2 lần” sẽ hạn chế hiểu sai, quên liều – đặc biệt với người cao tuổi hoặc bệnh nhân tâm thần.
Bảo đảm quyền lợi người bệnh
Quy định này cũng đồng bộ với trách nhiệm của bác sĩ và dược sĩ trong việc tư vấn, hướng dẫn cụ thể cách dùng thuốc.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Thông tư là kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc tiền chất. Nguyên tắc “chỉ kê thuốc khi thực sự cần thiết” được nhấn mạnh – nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến.
Đặc biệt, từ ngày 1/10/2025, tất cả bệnh viện bắt buộc thực hiện kê đơn điện tử, và từ 1/1/2026 sẽ mở rộng ra tất cả cơ sở khám chữa bệnh. Khi hệ thống kê đơn và bán thuốc được kết nối, mọi đơn thuốc, lượng thuốc bán ra sẽ được giám sát theo thời gian thực – góp phần ngăn chặn tình trạng bán thuốc không theo đơn.
Tích hợp định danh hướng tới hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân
Ông Vương Ánh Dương cho hay, theo Thông tư, mọi đơn thuốc mới sẽ tích hợp số định danh cá nhân – đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng tinh thần Đề án 06 của Chính phủ. Nhờ đó, thông tin họ tên, giới tính, địa chỉ… được tự động điền từ hệ thống, giúp bác sĩ kê đơn nhanh, chính xác; người bệnh cũng không phải khai báo lặp lại.
Đây cũng là nền tảng xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân giúp theo dõi quá trình khám chữa bệnh liên tục, kết nối từ tuyến cơ sở tới bệnh viện trung ương.
Khi hệ thống kê đơn điện tử kết nối với Hệ thống Quản lý Dược quốc gia, người bệnh có thể dễ dàng tra cứu đơn thuốc, liều dùng, lịch sử điều trị qua mã QR. Cơ quan quản lý cũng giám sát được các hành vi kê đơn sai quy định, bán thuốc không đơn. Từ đó đảm bảo tăng tính minh bạch, đảm bảo quyền lợi người bệnh.